Dãy Fibonacci và ứng dụng trong việc ước lượng thời gian triển khai công việc trong dự án. 

Chắc các bạn cũng khá quen với một số hình ảnh thường gặp trên mạng xã hội như bên trên rồi. Nhưng ít ai để ý là những hình bo cong nét theo “tỷ lệ vàng” cũng có liên kết chặt chẽ với dãy số Fibonacci do nhà toán học người Ý Fibonacci phát hiện ra.

Đầu tiên thì chúng ta cần phải nói về định nghĩa trước thì theo Wikipedia, dãy Fibonacci là dãy vô hạn các số tự nhiên bắt đầu bằng hai phần tử 0 hoặc 1 và 1, các phần tử sau đó được thiết lập theo quy tắc mỗi phần tử luôn bằng tổng hai phần tử trước nó.

Thực ra mình nhắc lại cho bài viết đầy đủ nội dung, còn nếu bạn đọc mà thấy khó hiểu thì có thể nhìn theo hình bên dưới nhé:

Về ứng dụng thì dãy Fibonacci sẽ gặp ở rất nhiều nơi:

  • Đầu tiên là giải trí bạn có thể thấy nó ở trong các hình meme trên các nền tảng mạng xã hội.
  • Thứ hai là từ quá khứ đến hiện tại, nó được ứng dụng rất nhiều trong việc thiết kế các công trình mang tính biểu tượng
  • Và tất nhiên là cả hội họa & điêu khắc nữa

Thôi xem đến đây chắc các bạn cũng đủ chóng mặt rồi, vì mình cũng đang cảm thấy như vậy. Một số ví dụ phía bên trên của mình chỉ để giúp các bạn có thể dễ dàng liên hệ với ứng dụng thực tế của dãy Fibonacci. Còn bây giờ chúng ta hãy cùng đi đến phần nội dung chính nhé: Áp dụng dãy Fibonacci vào trong việc ước lượng thời gian triển khai dự án như thế nào?

Trước khi bắt đầu thì mình cần dẫn các bạn đến xem clip này trước đã nhé để hiểu hơn về công việc dự toán chi phí dự án dựa trên thời gian triển khai các đầu công việc nhỏ. Clip nhiều bạn đánh giá là rất hay và thực sự thì nó là như vậy.

Như trong clip mình có đề cập đến việc ứng dụng các giá trị trong dãy Fibonacci vào việc ước lượng thời gian để triển khai một công việc nhất định.

0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, …

Nhìn vào dãy này thì bạn có thể dễ dàng nhìn ra là càng về sau, khoảng cách giữa hai giá trị càng lớn. Điều này rất sát với thực tế, các công việc có khối lượng nhỏ thì bạn có thể ước lượng rất chính xác, nhưng khi khối lượng công việc càng to thì độ chính xác sẽ giảm.

Đặt thử một trường hợp là mình có một công việc cần giải quyết là rửa bát. Vì đã có kinh nghiệm rửa bát từ năm lớp 2 nên mình có thể ước lượng được chính xác thời gian xử lý một đống bát cho gia đình nhỏ 4 người là khoảng 1 tiếng.

Nhưng nếu mình phải đảm nhiệm việc rửa bát cho cả một bữa tiệc gồm 30 người (khối lượng lớn hơn nhiều) thì rất khó để mình ước lượng chính xác là cần 5, 6 hay 7 tiếng để làm. Việc các giá trị trong dãy Fibonacci là 3-5-8 cho mình sự lựa chọn dễ dàng hơn rất nhiều. Mình không phải phân vân từng giá trị, 3h là quá ít, nếu 5h vẫn không đủ thì mình sẽ chọn hẳn 8h để làm cho cẩn thận, rửa cho sạch sẽ.

Trong quản lý dự án, với công việc có khối lượng lớn thì khi triển khai dự toán việc nói chính xác thời gian xử lý là một điều bất khả thi và thực tế nó cũng không có căn cứ và cơ sở để bạn có thể ước lượng chính xác đến từng đơn vị. Như đống bát đũa dành cho 30 người ăn mình chỉ nhìn thấy tổng thể là nó nhiều bát đũa, dụng cụ ăn uống, thức ăn bẩn còn đọng lại, … nhưng mình không thể xem kỹ xem cụ thể có bao nhiêu cái bát, bao nhiêu cái đũa, bao nhiêu cái thìa, dĩa, cái nào phải bỏ thức ăn, cái nào phải rửa xà phòng, cái nào phải tráng nước nóng trước, cái nào bẩn nặng, cái nào bẩn nhẹ, … để có thể tính toán thời gian. Chưa kể nhỡ trong quá trình triển khai rửa bát có biến cố xảy ra: Hết xà phòng rửa bát, hết nước sạch, phải rửa đi rửa lại một số cái cho sạch, sự cố vỡ bát đĩa dẫn đến phải dọn dẹp, bạn tự nhiên đau bụng phải đi giải quyết, … thì phần đó bạn không thể nhìn thấy trước mà chỉ có thể đoán trước là nó có thể xảy ra để chọn một con số có thể ôm luôn cả những rủi ro đó.

Tuy nhiên, như trong clip mình nói, trừ khi công việc có khối lượng lớn đó là không thể bóc tách thêm còn không nếu khối lượng công việc là quá lớn (vượt ngưỡng quy định của team đã thống nhất), thì bạn cần có một bước để bóc tách và chia nhỏ công việc thêm để việc triển khai dự án được diễn ra an toàn hơn. Quay trở lại thì mình sẽ bóc việc rửa đống bát kia thành nhiều việc nhỏ hơn như sau:

  • Đổ thức ăn thừa: 1h
  • Rửa qua nước nóng toàn bộ bát đũa: 1h
  • Rửa xà phòng: 2h
  • Rửa qua nước lần 2: 1h
  • Hong khô: 3h

Việc chia để trị khiến cho công việc sẽ dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều, và tương tự các công việc nhỏ cũng cần dựa trên các giá trị trong dãy Fibonacci để ước lượng thời gian triển khai.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này của mình. Hẹn gặp lại mọi người trong những bài viết tiếp theo. Cheerssss.

Để lại bình luận của bạn