BA là gì?

BA – viết tắt của Business Analyst là một công việc khá mới ở Việt Nam. Loanh quanh trong xã hội may ra có những ai đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin thì mới biết đến vị trí này.

Thường khi bố mẹ, anh chị, bạn bè nghe tôi trả lời về nghề nghiệp tôi đang làm là BA thì họ không biết cụ thể nghề BA là gì? Và BA sẽ làm những công việc gì? Trong trường hợp này họ sẽ thường tra Google để tìm hiểu và câu trả lời mà mọi người thường nhận được nhất là:

“BA hay business analyst là cầu nối giữa khách hàng và đội ngũ phát triển dự án”

Kết quả dễ gặp nhất trong các bài viết khi thực hiện tìm kiếm qua Google.

Ban đầu ngày mới đi thực tập nghề BA, tôi cũng tìm kiếm thử và câu nói trên cũng làm kim chỉ nan cho tôi trong suốt một năm đầu đi làm. Nó gần như mô tả rất rõ kỹ năng mà một BA cần có đó là kỹ năng giao tiếp để làm việc với nhiều bên – cũng là điểm mạnh của tôi.

Sau gần 4 năm đi làm BA thì tôi nhận ra câu nói trên phù hợp để mô tả cho một BA làm tại một công ty outsource. Tại các dự án mà công ty đó nhận, khách hàng gần như đã có yêu cầu sơ khai về mặt tính năng cần có và việc của BA là đi phân tích yêu cầu tính năng từ phía khách hàng, tài liệu hóa nghiệp vụ và miêu tả nghiệp vụ đó đến đội phát triển sản phẩm. Nôm na là đi mô tả lại những gì khách hàng muốn để truyền đạt lại đến đội phát triển thông qua lời nói, tài liệu nghiệp vụ. Có trường hợp khách hàng còn có luôn cả tài liệu nghiệp vụ chi tiết, và việc của BA là đọc hiểu và đi transfer lại cho team.

Tuy nhiên sau khi làm outsource một năm, tôi chuyển sang công tác tại các công ty product thì tôi thấy câu nói kia đã bị cũ và nó không còn phù hợp để mô tả về công việc của BA nữa. Vậy trong bài viết này, tôi sẽ đưa đến các bạn định nghĩa của tôi về BA và những công việc mà BA phải làm trong các công ty công nghệ ở thời điểm này (tháng 7 năm 2022).

BA – Business Analyst là việc dựa vào phân tích để xây dựng giải pháp cho các yêu cầu cụ thể. Vì vậy BA là một công việc cần làm chứ không phải là nghề nghiệp về mặt chức danh. BA xuất hiện ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta.

Việc của BA sẽ bao gồm những đầu mục chính sau:

  • Tìm hiểu mọi thứ về dự án, nắm được mục đích xây dựng của dự án.
  • Dựa trên mục đích xây dựng, liệt kê các tính năng mà dự án cần phải có.
  • Phân tích các tính năng, đưa ra giải pháp để giải quyết được vấn đề gặp phải (bao gồm cả giải pháp IT và giải pháp non-IT)
  • Cụ thể hóa nghiệp vụ các giải pháp bằng các hình vẽ, sơ đồ, tài liệu hỗ trợ.
  • Trao đổi với đội ngũ phát triển về các tính năng cần xây dựng.
  • Nghiệm thu sản phẩm sau quá trình xây dựng.
  • Hướng dẫn người dùng sử dụng sản phẩm, thu thập feedback để cải tiến sản phẩm.
  • Liên tục giữ liên lạc với các bên liên quan (khách hàng, product owner, team marketing, internal-user,…) trong tất cả các công việc trên để đảm bảo dự án luôn đi đúng hướng đề ra.

Trên đây tôi mới chỉ liệt kê những công việc chính mà một BA cần phải làm trong quá trình cung đội ngũ xây dựng sản phẩm kể cả là công ty đó làm outsource hay product. Ngoài ra tùy vào mỗi mô hình hoạt động của công ty, hay cách tổ chức vận hành của team, BA sẽ còn những công việc khác nữa cần phải làm để hỗ trợ cho công việc chính. Nếu để ý thì hình ảnh chiếc cầu sẽ chỉ xuất hiện cụ thể nhất ở ba point, còn năm point còn lại là công việc đi phân tích và đưa ra giải pháp cho vấn đề.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể hiểu hơn về BA và công việc của một BA, thông qua đó các bạn sẽ có định hướng để rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho bản thân nếu muốn đi theo công việc này lâu dài.

Ở bài viết tiếp theo, tôi sẽ nói về các mô hình hoạt động của các công ty trong lĩnh vực phần mềm và sự khác nhau khi làm BA ở các mô hình công ty.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi.

11/07/2022 – LinhDT

Để lại bình luận của bạn